Trong tham luận trình bày tại hội thảo về quản lý đất đai ở TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường Bất động sản TP.HCM năm nay có thể tiếp tục mất cân đối cung cầu nhà ở.
Nguồn cung mất cân đối
Cụ thể, trong quý 1/2024, chỉ có 01 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư với diện tích 3.647,4 m2 và chỉ có 01 dự án (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ.
Thị trường TP.HCM không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai và có 62 dự án nhà ở thương mại (dự án cũ) đang triển khai với 28.462 căn hộ.
Số liệu tổng hợp của HoREA cho thấy 71% nguồn cung thị trường nhà ở TP.HCM thuộc phân khúc cao cấp, còn lại là nhà ở trung cấp, tại cuối năm 2023.
Cũng do vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn nên TP.HCM có 148 dự án Bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chưa thể hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh hoặc bị dừng triển khai. Từ đó, hơn 58.000 khách hàng mua nhà tại các dự án chưa được cấp “sổ hồng”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)
Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra với phân khúc nhà ở xã hội. Thành phố không có dự án nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hay cấp phép xây dựng đầu năm nay. Chỉ có một dự án cũ đã hoàn thành với gần 250 căn. Ngoài ra, 7 dự án đang triển khai, dự kiến cung cấp gần 5.000 căn nhà xã hội.
Do vậy trong năm 2024, thị trường Bất động sản TP.HCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung – cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc neo giá cao. Đặc biệt là vẫn lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.
Chủ tịch HoREA cho rằng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2025 nếu được “tiếp sức” bằng việc Quốc hội sẽ cho phép áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1/7/2024 đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và dự kiến xem xét 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội.
Đâu là nguyên nhân?
Tình trạng hạn chế về nguồn cung theo Chủ tịch HoREA, nguyên nhân chính là Luật Đất đai 2024 vẫn còn điểm bất cập, chưa tháo gỡ mạnh mẽ nguồn cung nhà ở. Chẳng hạn như là quy định đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở.
Trường hợp người đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác có đề xuất dự án đầu tư nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được sử dụng đất để thực hiện dự án.
Ông Châu cho rằng đây là hạn chế so với Luật Đất đai 2013 vì đã “bỏ phần thông thoáng” trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp để xây dự án đô thị.
Theo HoREA, tại thời điểm giữa năm 2015, TP.HCM có 170 dự án nhà ở thương mại, trong đó có 44 dự án đã được công nhận chủ đầu tư theo các luật hiện hành. Còn lại 126 dự án do không có 100% đất ở nên không được công nhận chủ đầu tư. Trong số này có 85% dự án có đất ở và đất khác, còn lại 15% dự án có đất khác không phải đất ở.
Để khắc phục các hạn chế này mà Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang phối hợp xây dựng Đề án trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội xem xét 02 Nghị quyết thí điểm, trong đó có “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở”.
Tuy nhiên, trường hợp đề án thí điểm trên không được thông qua, kể từ ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, khoảng 15% dự án có đất khác không phải đất ở sẽ không được công nhận chủ đầu tư. Hầu hết số dự án này có tổng diện tích lớn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị.